Ngày 18,1, tại Hội nghị triển khai công tác pháp chế các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ năm 2014, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) cho biết từ năm 2010-2013 Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương giải quyết 17 vụ tranh chấp quốc tế có liên quan đến nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Trong đó có vụ việc đã được giải quyết thông qua thương lượng hòa giải, như vụ việc ở Đại lộ Đông Tây (TPHCM) và vụ nhà đầu tư South Fork (Hoa Kỳ) kiện tỉnh Bình Thuận đòi bồi thường số tiền lên tới gần 4 tỉ USD.
Đến cuối năm 2013, Hội đồng trọng tài quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ tất cả các lập luận và yêu cầu đòi bồi thường của nhà đầu tư Hoa Kỳ, buộc nhà đầu tư này phải trả cho Chính phủ Việt Nam toàn bộ chi phí vụ kiện, trong đó có cả chi phí dịch vụ pháp lý và phí trọng tài. Đây là vụ kiện đầu tư quốc tế đầu tiên mà Việt Nam giành chiến thắng thông qua đàm phán của Hội đồng trọng tài quốc tế.
Về bồi thường nhà nước, thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trong năm 2013 nhà nước đã phải bồi thường là gần 38,5 tỉ đồng (tăng gấp 5 lần số tiền bồi thường trung bình 3 năm trước đây). Các vụ bồi thường chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án,
Tuy nhiên vẫn còn tình trạng một số cơ quan áp dụng chưa đúng, chưa thống nhất quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước, gây khó khăn cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường và gây bức xúc cho người bị hại.
Làm pháp chế không có “màu”
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôi nói thật, làm pháp chế là không có 'màu' gì đâu. 'Màu' tập trung hết vào đầu tư, hạ tầng, tài chính, kế hoạch….rồi. Ở các bộ khổ nhất là những người làm công tác pháp chế và tổng hợp”.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải quan tâm nhiều hơn tới chính sách đãi ngộ cho các cán bộ làm pháp chế. Theo ông Phúc, lãnh đạo nhiều vụ, cục trong các bộ ngành thoải mái ký duyệt, ban hành văn bản “vượt mặt” mà không cần thông qua vụ pháp chế thẩm định. Điều này đã dẫn tới việc ban hành văn bản trái luật và có dấu hiệu tiêu cực.
Cạnh đó ông Phúc cho rằng công tác xây dựng văn bản thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều văn bản ban hành chậm đi vào cuộc sống hoặc ngay từ khi ra đời đã gặp phải phản ứng của dư luận nhân dân.
Đồng tình ông Chu Hồng Thanh, Phó Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết rất nhiều văn bản được các bộ ngành ban hành trái luật gây thiệt hại không nhỏ cho người dân và doanh nghiệp nhưng lại chưa có chế tài thích đáng khi mới chỉ dừng lại ở việc cắt thi đua, khen thưởng. Ông Thanh đề xuất phải xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu những người ban hành văn bản trái luật đó phải bồi thường thiệt hại do ký văn bản gây ảnh hưởng tới người dân.
Cuối năm 2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép cho Công ty TNHH South Fork được đầu tư vào khu du lịch tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) với diện tích 600 ha. Sau đó, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định giao hơn 3,3 triệu m2 đất giai đoạn 1 cho dự án này.Khi giao đất, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu sau ba tháng South Fork phải hoàn thành việc góp vốn pháp định; sau năm tháng kể từ ngày ký quyết định giao đất mà công ty chưa triển khai thực hiện dự án tỉnh sẽ thu hồi quyết định giao đất đợt 1 (dù có hoàn thành việc góp vốn).
Tuy nhiên, đến tháng 5-2010, tỉnh kiểm tra, thấy South Fork vẫn chưa triển khai đầu tư. Vào tháng 10-2007, UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép cho Công ty Đường Lâm khai thác titan trên diện tích hơn 120 ha đất trong diện tích 600 ha nói trên. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, việc cho phép Đường Lâm khai thác titan là dựa vào ba biên bản thỏa thuận giữa Đường Lâm với South Fork.
Lấy lý do tỉnh đã giao đất nhưng lại cho công ty khác khai thác titan nên tháng 9-2010, South Fork ra thông báo dừng mọi hoạt động để chuẩn bị thủ tục khởi kiện UBND tỉnh ra Trọng tài Quốc tế.
0 nhận xét