Từ nhiều năm nay, tết sếp luôn là nỗi ám ảnh mỗi khi năm hết, xuân về nhất là đối với các nhân viên hành chính, sự nghiệp hay ở các doanh nghiệp quốc doanh.
Thực ra, việc thăm hỏi hay tặng quà sếp là lĩnh vực văn hóa, bất cứ dân tộc nào cũng có. Ở ta cũng thế, việc tặng quà tết còn là truyền thống văn hóa tốt đẹp có từ lâu đời, không chỉ thể hiện tình cảm gần gũi mà còn là thông điệp bày tỏ lòng biết ơn với thủ trưởng của mình. Do đó, cần phải giữ gìn và phát huy như quan điểm của GS. Trần Ngọc Thêm: “Nếu như việc tặng quà biến tướng thành biếu xén, hối lộ trá hình làm ô nhiễm môi trường xã hội... thì phải tách ra xử lý riêng. Không nên chỉ vì đánh con chuột mà đập vỡ cái bình quý”.
Trong cuốn 108 điều được nhận và không được nhận của Thân Nhân Trung (tác giả câu nói nổi tiếng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” đồng thời là một vị quan nổi tiếng thanh liêm, suốt cả đời mình chỉ đau đáu giữ gìn sự thanh bạch của giới quan chức cũng ghi nhận việc cấp dưới biếu quà tết cấp trên.
Tuy nhiên, những món quà đó trước hết phải thể hiện được sự kính trọng thật lòng của nhân viên nhưng đồng thời cũng phải đơn giản, gọn nhẹ và có giá trị vật chất không quá cao. Sẽ chẳng có ai thích thú gì bỏ tiền ra hoặc khúm núm mang quà đến tặng sếp nếu không có tình cảm thật sự với sếp. Việc biếu “quà to” chẳng qua là hi vọng có quà sẽ được sếp ưu đãi hơn, hoặc sợ mọi người ai cũng có quà cho sếp, mình không có thì sẽ bị thiệt, bị trù dập.
Tóm lại, về cơ bản có hai nguyên nhân từ người biếu và người nhận.
Đối với người nhận, nếu sếp thật lòng không thích và kiên quyết từ chối thì sẽ không nhân viên nào dám biếu cả.
Còn với người biếu, có thể nói không ít trong số đó là những người cơ hội hoặc yếu chuyên môn, ít tự trọng. Những người chính trực, giỏi chuyên môn và giàu lòng tự trọng, họ sẽ không biếu quà to bởi họ hiểu rằng hình ảnh sếp tỉ lệ nghịch với giá trị gói quà. Quà càng to, trong mắt họ hình ảnh sếp càng nhỏ nên họ thường chọn những món quà nhỏ, có tính tượng trưng và thể hiện sự chân thành.
Trở lại với câu chuyện của cô hàng xóm, nghĩ thấy tội. Nhà ở trọ, lương viên chức ba cọc, ba đồng lại nuôi hai con nhỏ…
Làm sếp, để nhân viên nghèo đói phải coi đó là điều hổ thẹn, lại còn “vặt” của nhân viên nhân ngày lễ tết thì hơn một sự xấu hổ.
Chợt nhói lòng tự hỏi: “Sao lại có những loại “sếp” như thế nhỉ?”.
0 nhận xét