Cả hai báo Dân trí và Người Lao Động đều tường thuật chi tiết về lời khai này của ông Dũng, nhưng không nêu đích danh ông Phạm Quý Ngọ mà chỉ ghi là ‘một ông anh’.
Hai lần đến thăm
Theo tường thuật của Dân Trí, thì nhân chứng Dũng khai rằng vợ chồng ông đã đến thăm vợ chồng ‘ông anh’ sau khi nhận được giấy triệu tập của Bộ Công an đến để thẩm vấn về thương vụ ụ nổi 83M hồi cuối tháng 4/2012.
Thượng tướng Phạm Quý Ngọ từng là trưởng Ban chuyên án điều tra vụ Vinalines của Dương Chí Dũng.
Lúc đấy ‘ông anh’ đang nghỉ mát tại Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh, và đã chờ Dương Chí Dũng đến để gặp, theo lời khai của Dương Chí Dũng trước Tòa được dẫn lại. Khi đó, ông Dũng khai là đã ‘có quà cho ông anh’.
Đến tối ngày 2/5, tức là nửa tháng trước khi có quyết định khởi tố bắt tạm giam, Dương Chí Dũng đến nhà ‘ông anh’ một lần nữa. Lần này, ông Dũng khai rằng có đem theo ‘túi đựng phong bì tiền’ để ‘biếu ông anh’.
‘Ông anh’ này còn gợi ý ông Dũng ‘dùng sim rác’ để liên lạc với ông.
Trang baomoi.com cho biết số tiền mà ông Dũng đưa cho ông Ngọ tại Tuần Châu là 10.000 đôla, còn tại nhà riêng ông Ngọ là 500.000 đôla.
Dân Trí còn thuật lại là ‘ông anh’ này còn liên lạc với một quan chức khác của Bộ Công an đang điều tra vụ Vinalines nhưng vị này không nghe máy. Sau đó con trai ‘ông anh’ còn dẫn Dương Chí Dũng đến nhà vị này và ‘đưa quà’.
Không rõ Dương Chí Dũng có khai tên ‘vị cán bộ’ của Bộ Công an này cũng như số tiền đã đưa hay không nhưng báo Dân Trí không nói rõ.
Nhân chứng Dũng được Dân Trí dẫn lời khai là huy động số tiền từ nhiều nơi để đưa cho ‘ông anh’, trong đó có 200.000 đôla từ người anh em cọc chèo cộng với hơn 100.000 đôla tiền có sẵn ở nhà...
Mặc dù Dân Trí không nói rõ ‘ông anh’ này là ai nhưng cho biết các chi tiết như vị này ‘về Thái Bình’, hay nhà ở tòa nhà Pacific Lý Thường Kiệt.
Những chi tiết này báo Người Lao Động đều tường thuật gần giống như của Dân Trí.
Tướng Ngọ bác bỏ
Trong phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng, cựu phó giám đốc Công an Hải Phòng, về tội ‘Tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài’, nhân chứng Dương Chí Dũng được cho là đã khai ra danh tính người mật báo tin cho ông bỏ trốn.
Một số báo đưa tin người này là Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, nhưng sau đó đa số đã gỡ bỏ thông tin. Đến phiên xử̉ buổi chiều thì hầu hết các báo mạng đều nêu đích danh ông Phạm Quý Ngọ mặc dù có một số báo như Dân Trí, Người Lao Động vẫn ghi là 'một ông anh'.
Về phần mình, trưa thứ Ba 7/1, ông Phạm Quý Ngọ đã phủ nhận liên quan đến việc ông Dương Chí Dũng bỏ trốn với báo điện tử VnExpress.
Báo này dẫn lời ông Ngọ nói: "Tôi không liên quan đến việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng. Dũng khai là chuyện của anh ta, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ việc này".
Phiên tòa xử ông Dương Tự Trọng tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” theo quy định tại khoản 3 Điều 275 Bộ Luật hình sự đã khai mạc sáng 7/1 tại Hà Nội.
Ông Trọng ra tòa cùng sáu bị cáo khác, trong đó đa số nguyên là cán bộ công an tại Hải Phòng và một đối tượng được cho là ‘giang hồ cộm cán’.
Ông Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, người đã bị tuyên án tử hình cách nay ba tuần về tội ‘Tham ô’ và ‘Cố ý làm trái gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng’, xuất hiện cùng với vợ trong phiên tòa xử em trai với tư cách nhân chứng.
Theo tường thuật từ các báo trong nước, ông Dương Tự Trọng một mực chối tội trong khi tất cả các bị cáo khác trong vụ án đều đã nhận tội.
Ai báo tin?
Tuy nhiên, thông tin được chú ý nhất trong phiên xử Dương Tự Trọng lại là lời khai của ông Dương Chí Dũng về danh tính người đã báo tin ông bị khởi tố bắt tạm giam dẫn đến hành trình trốn chạy kéo dài gần bốn tháng của ông sau đó.
Tại phiên tòa xét xử bản thân mình hồi tháng 12, ông Dũng không khai ra người báo tin này mặc dù được quan tòa truy hỏi với lý do ‘nhạy cảm’ và ‘đã khai với cơ quan điều tra rồi’.
Các báo mạng tường thuật trực tiếp về phiên tòa Dương Tự Trọng như VnExpress chạy tít ‘Dương Chí Dũng đã khai ra người báo tin khởi tố’ còn Dân Trí viết tiêu đề ‘Dương Chí Dũng khai được ‘ông anh’ mật báo’.
Đáng lưu ý là báo mạng Một Thế Giới trực thuộc Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã chạy tiêu đề: “Dương Chí Dũng khai Thứ trưởng (Công an) Phạm Quý Ngọ đã báo tin để chạy trốn”.
Nhưng ngay sau đó, cái tên Phạm Quý Ngọ đã được đưa ra khỏi tiêu đề, được sửa thành ‘một ông anh’, và cũng biến mất trong bài tường thuật.
Tuy nhiên, tên Phạm Quý Ngọ vẫn còn lưu lại trong đường dẫn của bài viết http://motthegioi.vn/xa-hoi/duong-chi-dung-khai-thu-truong-pham-quy-ngo-da-bao-tin-de-chay-tron-37061.html
Ông Phạm Quý Ngọ là ủy viên Trung ương Đảng, thượng tướng, thứ trưởng Bộ Công an và từng giữ tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm.
Một Thế Giới dẫn lời ông Phạm Chí Dũng khai như sau: “Đến khoảng 17 đến 18h tối ngày 17/5, tôi đang loanh quanh trên xe thì anh Ngọ gọi điện cho tôi thông báo ‘Thủ tướng chấp thuận bắt tạm giam chú, chú tránh đi một thời gian’. Sau đó anh ấy nói tiếp là ‘chú tắt điện thoại đi’. Sau đó, tôi trốn trong tối 17/5.”
Báo Tuổi Trẻ đưa chi tiết hơn là ông Dũng ‘loanh quanh ở gần nhà ‘ông anh’ ở đường Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng’ nhưng không đề cập danh tính ‘ông anh’ này.
‘Chối tội’
Về phần mình, bị cáo Dương Tự Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), nguyên Phó giám đốc Công an Hải Phòng, đã một mực phủ nhận tội danh như cáo trạng nêu, các báo trong nước cho biết.
Theo cáo trạng thì sau khi được anh trai là Dương Chí Dũng báo tin sắp bị khởi tố, ông Trọng đã cùng những thuộc hạ thân tín của ông ở Sở Công an Hải Phòng như Vũ Tiến Sơn, phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội và Nguyễn Trọng Ánh, cán bộ phòng này, Hoàng Văn Thắng, cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm môi trường đã bàn bạc kế hoạch tổ chức cho ông Dũng bỏ trốn.
Các cán bộ công an này sau đó đã phối hợp với các bị cáo khác, trong đó có người đang bị truy nã về tội buôn lậu như Đồng Xuân Phong, cán bộ Cục Hải quan Hải Phong, và có cả một ‘trùm giang hồ’ đất Cảng Trần Văn Dũng, hay còn gọi là Dũng Bắc Cạn, để thực hiện kế hoạch đưa Dương Chí Dũng vào TP Hồ Chí Minh, từ đó trốn sang Campuchia để tìm đường đi Mỹ.
Cáo trạng nhận định hành vi phạm tội của các bị cáo là ‘đặc biệt nghiêm trọng’, ‘phạm tội có tổ chức’ và ‘gây khó khăn lớn’ cho việc điều tra vụ án Vinalines.
Theo VnExpress thì ngoài bị cáo Trọng ra, tất cả các bị cáo còn lại đều ‘thừa nhận nội dung truy tố là đúng’.
Ngoài ra, các bị cáo đều khai chi tiết quá trình ông Trọng chỉ đạo tổ chức cho ông Dương Chí Dũng bỏ trốn như thế nào.
Tuy nhiên, bị cáo Trọng được cho là ‘không phủ nhận cũng không thừa nhận’ lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn, người khai được ông Trọng giao làm đầu mối xử lý việc bỏ trốn của ông Dũng.
Nếu bị xử là có tội, ông Dương Tự Trọng phải đối diện khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù.
0 nhận xét