Chủ tịch cũng nhấn mạnh, Hiến pháp mới đã phản ảnh ý chí và nguyện vọng của Nhân dân ta, trong đó ý Đảng lòng Dân được hòa quyện sâu sắc. Ông đề nghị các vị đại biểu thảo luận thật dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, đề xuất các biện pháp cụ thể cho việc triển khai thi hành Hiến pháp.
Theo kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có hai nội dung cơ bản là tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp và rà soát, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản pháp luật phù hợp với Hiến pháp. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ rõ nội dung công việc phải làm, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp.
Ưu tiên sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng được nêu rõ tại kế hoạch.
Trình bày những nội dung cơ bản của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nhấn mạnh các nội dung mới so với Hiến pháp 1992.
Liên quan đến quyền con người, quyền công dân, Phó chủ tịch cho biết Hiến pháp mới đã bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Đó là quyền sống (điều 19), quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (điều 20), quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (điều 21), quyền được bảo đảm an sinh xã hội (điều 34), quyền kết hôn và ly hôn (điều 36), quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (điều 41), quyền xác định dân tộc (điều 42), quyền được sống trong môi trường trong lành (điều 43)...
Về các thành phần kinh tế, Phó chủ tịch nêu rõ, Hiến pháp khẳng định Nhà nước và kinh tế nhà nước có vai trò quan trọng trong việc định hướng, điều tiết sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng không nêu cụ thể tất cả các thành phần kinh tế như Hiến pháp năm 1992.
Hiến pháp quy định các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Lần đầu tiên, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân được ghi nhận trong Hiến pháp. Doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải hoạt động theo cơ chế thị trường, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách tạo ra sự bất bình đẳng, ông nói.
Cũng theo Phó chủ tịch, Hiến pháp ghi nhận, tôn trọng đa dạng hình thức sở hữu, bảo hộ quyền sở hữu tư nhân cả về tư liệu sản xuất, các quyền tài sản và sở hữu trí tuệ. Kế thừa và phát triển quy định về sở hữu toàn dân trong Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp tiếp tục khẳng định đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Để triển khai thi hành Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc đã ban hành hướng dẫn thực hiện một số nội dung đã được Quốc hội quyết định tại nghị quyết thi hành Hiến pháp.
Theo hướng dẫn này, từ ngày Hiến pháp mới có hiệu lực, Chủ tịch nước quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân.
Còn trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện theo quy định hiện hành.
0 nhận xét