Thành viên này đưa ra ưu điểm khi so sánh với Liberty Reserve, bicoin dùng một máy tính để chạy giải mã nên vẫn có một tài sản cố định không mất đi đâu, nếu đồng ảo này xảy ra sự cố như Liberty Reserve thì có thể thanh lý máy tính lỗ khoảng 20-50% giá trị ban đầu, hoặc chuyển mục đích sử dụng khác như đồ họa, làm phim, chơi game...
"Dùng máy tính chạy kiếm ra tiền bitcoin, nên không phải đầu tư công sức và thời gian vào nó, chỉ cần mỗi ngày vào kiểm tra máy tính có chạy ổn định hay không", thành viên cho biết thêm.
Trên Facebook cũng xuất hiện trang web chuyên về bitcoin, hướng dẫn giải đáp thắc mắc cho người dùng và đồng thời là nơi giao dịch giữa các thành viên. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, đồng bitcoin vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên hầu hết những người quan tâm vẫn chỉ ở mức tìm hiểu thông tin. Sau thời điểm, đồng bitcoi lên tới 1.200 USD hồi đầu tháng 12/2013, giới đầu tư trong nước đã bắt đầu chú ý hơn.
Theo chia sẻ của một thành viên, để đào được Bitcoin không phải là chuyện đơn giản, người tham gia phải có hệ thống máy tính "khủng" để giải các thuật toán ngày càng phúc tạp. Người dùng này đã phải đầu tư gần 60 triệu đồng cho hệ thống máy tính có tính có bộ vi xử lý và đồ họa cực mạnh.
Đánh giá của N.T.N, một thành viên diễn đàn, số lượng người sở hữu bitcoin ở VN vẫn còn ít. Trong khi đó, giới đầu cơ vẫn chưa hiểu hết được cách thức tham gia loại hình đầu tư này nên việc lướt sóng hầu như là không có.
Trên trang mua bán bitcoin còn công khai việc giao dịch bằng tài khoản ngân hàng và hệ thống thanh toán trực tuyến Paypal. Chủ trang web cam kết: "Mọi thông tin giao dịch sẽ được xoá khỏi hệ thống ngay sau khi giao dịch hoàn tất mang lại chính sách bảo mật tuyệt đối cho khách hàng". Hiện, giá 1 bitcoin tương đương với hơn 16 triệu đồng mua vào và hơn 19 triệu đồng bán ra.
Mới đây, hai doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam đã chính thức thông báo chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán. Trả lời báo chí, đại diện một đơn vị cho hay, đây là giao dịch không mang lại nhiều giá trị về mặt kinh tế nhưng đem lại nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần. Bởi nó khơi dậy phong trào sử dụng đồng tiền Bitcoin tại Việt Nam, cũng như chứng minh được doanh nghiệp đã mạnh dạn bắt kịp thời đại, hòa nhập vào xu hướng của thế giới.
Rủi ro cao
Mặc dù được đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng đồng bitcoin thực tế vẫn chưa được cơ quan nhà nước chấp thuận. Trả lời báo chí, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cơ quan này không chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán.
Nhận xét về trường hợp hai doanh nghiệp của Việt Nam chấp thuận sử dụng Bitcoin là phương tiện thanh toán, một chuyên gia cho rằng, đây là chiêu PR và là giao dịch không hợp pháp, vì NHNN không công nhận Bitcoin. Đầu tư đồng Bitcoin ở Việt Nam rủi ro rất lớn, không được bảo vệ.
Trao đổi với PV, Luật sư Trương Thanh Đức, chuyên gia ngân hàng, chủ tịch công ty luật Basico, cho rằng: "Đương nhiên là đồng tiền này không nằm trong hệ thống tiền tệ được công nhận và sử dụng chính thức ở Việt Nam. Thậm chí các đồng tiền hợp pháp của các quốc gia khi vào Việt Nam cũng chỉ được coi là hợp pháp trong một số trường hợp, vì tiền tệ liên quan đến an ninh và chủ quyền quốc gia và quản lý ngoại hối. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào cam kết và khả năng kiểm soát của các doanh nghiệp áp dụng. Nó chỉ được coi là hợp pháp trong hệ thống ngân hàng Việt Nam khi được pháp luật cho phép".
Liên quan tới những rủi ro từ đồng tiền này, ông Đức cho rằng, thị trường tài chính tiền tệ ít nhiều bị ảnh hưởng khi các giao dịch không được phản ảnh bằng đồng tiền chính thức, mà phản ánh bằng một thước đo khác.
Hiện nay, việc giao dịch bằng đồng tiền này cũng giống như việc mua bán tài sản ảo trên mạng. Nếu chỉ là thử nghiệm hoặc giao dịch nhỏ thì cũng không có gì đáng ngại. Tuy nhiên nếu thực hiện các giao dịch lớn và hy vọng, trông chờ nhiều vào đồng tiền ảo này, thì cũng không khác nào tin vào ảo ảnh.
"Các cá nhân giao dịch đồng tiền này, nếu xảy ra tranh chấp hoặc thiệt hại, thì sẽ không được pháp luật bảo vệ, không được Toà án, Trọng tài công nhận đó là giao dịch hợp pháp", ông Đức nói.
0 nhận xét