Top Google Việt Nam : Làm Biển Quảng Cáo, Mua Bán Ô Tô Cũ, Phong Thủy, Gitizen.info, Blog Thủ Thuật SEO, Quà Tặng Lưu Niệm

Pages

Thứ Ba, 7 tháng 1, 2014

Nữ chiến sĩ khởi nghĩa Nam Kỳ Nguyễn Thị Ngọc Thanh đã ra đi

Tôi biết bà Ngọc Anh nhân chuyến đi tìm lại những nữ chiến sĩ Khởi nghĩa Nam Kỳ. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân - chị ruột của bà Ngọc Anh, từng là một nhân vật luôn ám ảnh tôi. Bà Ngọc Ngân (Nguyễn Thị Đờn) tham gia phong trào Đông Dương đại hội, tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ, bị bắt giam vào khám Phú Mỹ, sinh con trong nhà tù, đã đấu tranh với kẻ thù tàn bạo giữ lấy đứa con. Người mẹ ấy sau khi ra tù đã về lại quê hương, sống trong đói nghèo, quên lãng. Gia đình ly tán sau Khởi nghĩa Nam kỳ, người chị Ngọc Kim và người em trai trôi dạt lên Sài Gòn. Người nữ chiến sĩ ấy còn sống mà bặt vô âm tín. Thật may, khi tôi tìm ra được địa chỉ bà Ngọc Anh, từ đó biết được nơi ở chị ruột của bà…



Cung cấp cho tôi địa chỉ, bà Ngọc Anh ái ngại: “Khó tìm lắm, cháu đi một mình… không ổn đâu”. Tự tin, tôi vẫn đi một mình nhưng suốt cả buổi sáng vẫn không tìm được nhà bà Ngọc Ngân. Cuối cùng, tôi đành phải hẹn để nhờ bà Ngọc Anh dẫn đường. Nơi bà Ngọc Ngân ở là một căn nhà gạch nhỏ bé, trong một hẻm sâu hun hút, chi chít ngóc ngách. Trước hàng hiên, một bà cụ vẻ nhẫn nhục đang nhặt rau. Nhận ra bà Ngọc Anh, mặt bà sáng lên nụ cười phúc hậu. Đã lâu rồi hai chị em mới được gặp nhau, dù sống trong một thành phố. Tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy người nữ chiến sĩ Khởi nghĩa Nam kỳ kiên cường năm xưa sống trong căn nhà như có thể sập bất cứ lúc nào…

Làm sao không xót xa khi biết hai chị em bà là con gái của một gia đình có công lớn với cách mạng ngay trong những ngày còn trứng nước. Cha bà là ông Nguyễn Ngọc Nhuận - một điền chủ “tòa ngang dãy dọc” trong khu vườn 10 mẫu thênh thang; từng sở hữu hàng trăm mẫu ruộng. Vào những năm 1937-1940, vườn của gia đình ông Nhuận là địa điểm được Đảng chọn mở các lớp học về mácxít, là nơi che chở và nuôi giấu các đồng chí Tạ Uyên - Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Bảy Cùi - Liên tỉnh ủy Cần Thơ, đồng chí Tám Lùn - Bí thư huyện ủy Tam Bình… Sau Khởi nghĩa Nam kỳ, trừ người con trai tham gia du kích thoát được, cả gia đình ông Nhuận đều bị bắt vì đã tích cực tham gia khởi nghĩa. Ông Nhuận bị Pháp kết án 20 năm khổ sai, bị đày đi Côn Đảo, hy sinh năm 1943 (ngày 12/9/1989, ông Nhuận được truy tặng liệt sĩ). Nguyễn Ngọc Bình, con trai ông Nhuận cũng bị Pháp bắt năm 1940, bị kết án một năm tù ở rồi đày đi căng Bà Rá (kháng chiến chống Pháp, ông Bình làm công tác binh vận, hy sinh năm 1947). Bà Nguyễn Thị Ngọc Kim, tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ bị bắt, sau tham gia chống Pháp, hy sinh năm 1947. Bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh bị kết án bốn năm tù ở khám lớn Chí Hòa (ra tù bà Oanh vẫn tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia dân quân Q.Tam Bình từ 1945-1949). Bà Nguyễn Thị Ngọc Ngân bị bắt trước ngày khởi nghĩa ít lâu, bị kết án 5 năm tù, sau đó bị đày đi căng Bà Rá. Người con gái út Ngọc Anh đang học trung học ở Vĩnh Long, vì nóng lòng trước đại cuộc, đã rời thị xã về Tam Bình giúp các anh chị viết, vẽ, in truyền đơn. Bị bắt với những tang chứng tuyên truyền cho Cộng sản, Ngọc Anh bị đánh đập, tra tấn rất tàn nhẫn.

Tôi nhớ lúc đó, vào năm 2000, bà Ngọc Ngân không kể chuyện mình mà ôm chặt người em gái út, nước mắt ròng ròng: “Sau này ra tù, nghe bà con kể lại, nhà của chúng tôi bị đốt cháy đến 10 ngày vẫn chưa tắt. Những cây cột bằng gỗ lim to hơn người ôm cứ ngun ngún cháy trong đêm. Nhà tan cửa nát, cả gia đình bị bắt vào tù, thương nhất là Ngọc Anh. Ngày xưa nó đẹp lắm, lại là con út nên rất được cha mẹ cưng chiều. Vậy mà… Cô không tưởng tượng nổi những gì em gái tôi phải chịu đựng đâu. Khi bọn Pháp đẩy nó vào khám ở Vĩnh Long, mấy chị em tù sững sờ, chính tôi còn không nhận ra em mình. Đầu nó bị cạo trọc sưng vù, người tím bầm, quần áo tả tơi… Chừng nhận ra Ngọc Anh, cả trại òa khóc. Mấy anh ở trại tù nam gửi quần áo sang cho Ngọc Anh. Tôi cắt, may lại cho vừa vặn với em. Sau đó, tôi và Oanh bị đưa lên nhà tù Phú Mỹ ở Sài Gòn. Ngọc Anh ở lại tù Vĩnh Long, một năm sau được thả…”.

Sinh thời, bà Ngọc Anh vốn nặng lòng với quá khứ hào hùng của gia đình và quê hương. Vì lẽ đó, bà kiên trì liên hệ các đồng chí của chị; kết nối, kêu gọi sự giúp đỡ chị mình, bởi bà Ngọc Ngân sau khi bị bắt, ở tù về có cuộc sống rất khó khăn. Bà Ngọc Anh đã nhiều lần tìm đến Bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ, phản ánh gia cảnh khó khăn của bà Ngọc Ngân, cung cấp thêm nguồn sử liệu quý báu về cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ. Từ đó, tôi bị thôi thúc viết bài báo Số phận một người mẹ sau 60 năm ngày Khởi nghĩa Nam kỳ và báo An Ninh Thế Giới đã tìm đến thăm bà Ngọc Ngân, tặng tiền giúp gia đình xây ngôi nhà tình nghĩa. Làm được điều đó, bà Ngọc Anh cảm thấy được an ủi rất nhiều. Cho đến cuối đời, bà vẫn kiên trì đấu tranh, làm hồ sơ, gõ mọi cánh cửa để mẹ ruột mình - bà Nguyễn Thị Còn bị giặc Pháp bắn trong Khởi nghĩa Nam kỳ được công nhận liệt sĩ và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Sau Cách mạng Tháng Tám, bà Ngọc Anh sớm tham gia công tác chính quyền cách mạng vừa mới thành lập ở Vĩnh Long. Bà nguyên là thư ký Ban chấp hành Hội Phụ nữ cứu quốc huyện Tam Bình, rồi làm nhân viên Phòng Mật mã Nam bộ. Tháng 12/1954, bà Ngọc Anh tập kết ra Bắc, làm việc tại Bệnh viện C Hà Nội, rồi chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, bà cùng chồng chuyển về miền Nam công tác. Từ tháng 6/1982, bà về hưu, sống cùng con gái. Bà Ngọc Anh có hai con gái là chị Phạm Thị Thanh Phượng, công tác tại Công ty Chăn nuôi thuộc Sở Nông nghiệp TP.HCM và chị Phan Thị Thanh Yến - một nữ doanh nhân thành đạt.

Bà Ngọc Anh vẫn thường kể cho con cháu nghe về những ngày Khởi nghĩa Nam kỳ, để thế hệ sau đừng quên những trang sử bi tráng, hào hùng của đồng bào Nam bộ. Gia đình và bản thân hứng chịu nhiều đau thương, mất mát, tù tội nhưng bà không so bì, trách móc, chỉ ngậm ngùi giải thích: “Do các đồng chí năm xưa cũng bị bắt, bị giết, tù đày, lớp tuổi cao sức yếu...”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tấm lòng bà dành cho cách mạng vẫn son sắt, thủy chung, như lời “tự nhận xét” được viết bằng cả máu thịt cuộc đời bà, được cẩn trọng ghi lại trong tờ lý lịch trước lúc bà đi xa: “Rất trung thành với cách mạng, cho dù trong hoàn cảnh nào cũng không khai báo gì với giặc. Trung kiên với Đảng”. Người nữ chiến sĩ Khởi nghĩa Nam kỳ đã sống một cuộc đời trung kiên, xứng đáng với đất nước nay đã về thế giới bên kia.
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

Nhận Tin Qua Email

Cùng tham gia với hơn 2500 người đã đăng ký nhận tin qua Email với các Tin mới nhất,Nóng nhất trong ngày cập nhật liên tục 24h từ các Báo Mạng uy tín của Việt Nam!

Khi đăng ký nhận tin,Bạn sẽ nhận được Email từ chúng tôi. Đăng nhập email để hoàn tất quá trình đăng ký.

0 nhận xét

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
BACK TO TOP

Tin tức thời sự cập nhật liên tục 24h.....